Ngày 17/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố thể lệ Cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử”, được tổ chức trên phạm vi toàn quốc.
Dạy và học trực tuyến. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Đây là hoạt động thiết thực góp phần xây dựng kho học liệu số ngành Giáo dục có chất lượng, phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá; nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học cho nhà giáo và học sinh. Cuộc thi nhằm tôn vinh trí tuệ, sức sáng tạo của các nhà giáo trong đổi mới nội dung và đổi mới phương pháp dạy học.
Đối tượng dự thi là nhà giáo đã và đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Các tác giả có thể tham gia dự thi theo hình thức cá nhân hoặc theo nhóm (không quá ba tác giả cho mỗi nhóm).
Sản phẩm bài giảng điện tử dự thi gồm: Bài giảng e-learning (là sản phẩm được tạo ra từ các phần mềm thiết kế bài giảng e-learning); video bài giảng (là bài giảng được giáo viên thiết kế và ghi hình dưới dạng video). Mỗi sản phẩm kèm theo kế hoạch bài dạy (giáo án).
Yêu cầu của sản phẩm là bài giảng triển khai được toàn bộ quá trình dạy và học (tối thiểu cho một tiết học) thuộc chương trình giáo dục phổ thông (đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các lớp còn lại theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006). Bài giảng giúp học sinh tự học, học trực tuyến hoặc sử dụng dạy học kết hợp (giữa tự học, học trực tuyến và dạy học trên lớp); phù hợp với các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phương pháp dạy học của bài học.
Bài giảng cần thể hiện sự sáng tạo của giáo viên trong việc ứng dụng công nghệ để đạt được một số yêu cầu. Thứ nhất là giải quyết vấn đề và sáng tạo, người học có cơ hội được tổng hợp và khuyến khích phát triển các ý tưởng sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề của bài học và thực tiễn. Thứ hai là đa dạng và hài hòa, sản phẩm được thiết kế phù hợp với các hình thức học tập khác nhau của học sinh, thể hiện được các phương pháp tiếp cận khác nhau nhằm tạo ra một lộ trình học tập toàn diện. Thứ ba là tăng cường tự chủ của học sinh, vai trò của học sinh được xuất hiện xuyên suốt các hoạt động học tập của bài học, là minh chứng rõ ràng về sự trao quyền cho học sinh, các em được tôn trọng và tự tin, phát huy sự dân chủ và bình đẳng của học sinh trong mọi quyết định liên quan đến hoạt động bài học...
Thời lượng bài giảng điện tử không dài quá 25 phút; thể hiện súc tích, cô đọng, áp dụng phù hợp các kênh chữ, kênh hình, kênh tiếng, hình ảnh, hoạt động tương tác, kiểm tra, đánh giá; sử dụng học liệu chính xác, rõ ràng về nguồn gốc.
Tác giả nộp sản phẩm dự thi theo hình thức trực tuyến trên Hệ tri thức Việt số hóa tại địa chỉ igiaoduc.vn. Kho học liệu số của Hệ tri thức Việt số hóa (igiaoduc.vn) bắt đầu mở tiếp nhận sản phẩm dự thi từ ngày 30/9 đến 24 giờ ngày 30/10.
Ban Tổ chức dự kiến trao 100 giải, trong đó có 10 giải Nhất (mỗi giải 15 triệu đồng), 20 giải Nhì (mỗi giải 10 triệu đồng), 30 giải Ba (mỗi giải 7 triệu đồng) và 40 giải Khuyến khích (mỗi giải 4 triệu đồng.).
Lễ tổng kết và trao giải dự kiến tổ chức tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước ngày 15/1/2022.
Việt Hà (TTXVN)