Đánh giá về Kỳ thi THPT quốc gia 2015, nhiều lãnh đạo Sở GD-ĐT, hiệu trưởng trường đại học đều đánh giá cao kỳ thi đã đạt chất lượng hơn so với các kỳ thi năm trước, đã giúp tiết kiệm tiền của cho xã hội, người dân và các nhà trường, đã đánh giá chính xác năng lực học tập của thí sinh...
Tuy nhiên, để Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 thành công hơn nữa thì Bộ GD-ĐT cần phải khắc phục một số điểm bất cập, hạn chế và cải tiến nhiều hơn nữa để tăng thêm niềm tin đối với xã hội.
Kỳ thi năm 2016, sẽ tiếp tục được ra theo hướng đánh giá năng lực
Trao đổi với Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở nghiêm túc rút kinh nghiệm, cầu thị tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà giáo và toàn xã hội, Bộ GDĐT dự kiến sẽ tổ chức Kì thi THPTQG và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 theo hướng về cơ bản giữ ổn định như năm 2015 với một số điều chỉnh phù hợp. Cụ thể: Kì thi năm 2016 dự kiến tổ chức trong 3 ngày 13, 14, 15 tháng 6. Tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh như năm 2015 với một số điều chỉnh phù hợp với thực tiễn; tăng cường phối hợp, hỗ trợ của các trường ĐH.
Đối với các thí sinh ở các vùng giáp ranh giữa các cụm thi được linh hoạt lựa chọn cụm thi thuận tiện; các vùng đặc thù có nhiều khó khăn sẽ xem xét để đặt các điểm thi tạo thuận lợi cho thí sinh.
Về công tác đề thi, thứ trưởng Ga cho biết, sẽ tiếp tục được ra theo hướng đánh giá năng lực, có độ phân hóa tốt hơn để đánh giá khách quan năng lực thí sinh, đáp ứng mục tiêu của Kì thi. Đồng thời, bổ sung, nâng cấp để hoàn thiện hệ thống phần mềm trên nguyên tắc tăng cường ứng dụng CNTT vào các khâu của Kì thi, nhất là ở các khâu ĐKDT, ĐKXT, sẵn sàng đáp ứng cho Kì thi THPTQG năm 2016 và những năm tiếp theo.
Cần sửa nhiều ở khâu kỹ thuật
GS.TS Trần Văn Nam, giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, để việc tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 thành công hơn nữa thì Bộ GD&ĐT cần điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tuyển sinh ĐH, CĐ tốt hơn, cụ thể: khuyến khích thí sinh đăng ký thi trực tuyến; rút ngắn thời gian xét tuyển. Đặc biệt các trường đại học tốp trên nên có điểm chuẩn cao hơn để thể hiện sự phân tầng trong giáo dục đại học.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ kiến nghị: “Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, ở khâu đăng ký xét tuyển ĐH cần có sự phối hợp của các Sở GD&ĐT để tránh tình trạng thí sinh, phụ huynh lúng túng khi đăng ký xét tuyển. Đối với việc công bố điểm Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT nên mạnh dạn giao cho các trường ĐH và các Sở, từ đó chia bớt gánh nặng với Bộ. Bên cạnh đó, bộ cần có hướng dẫn và tạo mối liên hệ tốt giữa các trường ĐH với các Sở GD&ĐT để công tác tổ chức thi thuận lợi hơn.
Về các đợt xét tuyển, ông Xê cho rằng, đợt 1 nên giữ lại và chỉ cho thí sinh nộp ở 1 trường duy nhất, tránh tình trạng thí sinh ảo.
GS.TS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh đề xuất, riêng khâu xét tuyển trong Kỳ thi THPT quốc gia còn một số vấn đề về mặt kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin, và sự phối kết hợp giữa các trường cần chặt chẽ, đồng bộ, có sự chuẩn bị kỹ càng hơn để rút kinh nghiệm trong tổ chức thi THPT quốc gia 2016. Việc đăng ký, xét tuyển, hậu xét tuyển, cần xử lý đúng theo luật ngay từ đầu để các thí sinh cẩn trọng hơn trong việc khai lí lịch, khu vực tuyển sinh.
Thăm dò số lượng thí sinh dự thi
Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội kiến nghị: “Bộ GD&ĐT nên chỉ đạo các Sở GD-ĐT tiến hành thăm dò số lượng thí sinh dự thi để xét tuyển vào đại học, cao đẳng; tập trung chuyển về Sở GD-ĐT nơi có trường đại học chủ trì cụm thi tập hợp và chuyển thông tin ban đầu để cho các trường đại học có cơ sở lập kế hoạch tổ chức kỳ thi.
Ông Đại cho hay, việc lựa chọn các điểm thi, do không có sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH chủ động chọn các trường THCS, THPT làm điểm thi nên thực tế đã xảy ra chồng chéo giữa trường ĐH với Sở GD-ĐT (cùng chọn 1 trường THCS hoặc trường THPT) làm điểm thi. Do vậy, Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo giao cho các Sở GD-ĐT chủ trì trong việc phân bổ khu vực chọn các trường THCS,THPT làm điểm thi cho các trường ĐH, tránh chồng chéo khi để các trường ĐH tự lựa chọn điểm thi.
Đối với công tác coi thi, ông Đại cho rằng, Bộ đã giao cho các trường ĐH phối kết hợp với Sở GD-ĐT tổ chức kỳ thi, tuy nhiên, không quy định cụ thể mỗi cụm thi có bao nhiêu cán bộ, giáo viên của các Sở GD-ĐT tham gia công tác coi thi, chấm thi, giám sát phòng thi, chấm kiểm tra bài thi, số lượng lãnh đạo của mỗi điểm thi nên đã nảy sinh nhiều bất cập. Đề nghị Bộ GD-ĐT quy định cụ thể số lượng cán bộ, giáo viên của các Sở GD-ĐT tham gia công tác coi thi, chấm thi, giám sát thi ở các trường ĐH (như đã quy định đối với các trường ĐH giám sát các Sở GD-ĐT).
Để kỳ thi THPT quốc gia 2016 và xét tuyển ĐH,CĐ tốt hơn nữa, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, Bộ GD&ĐT cần tổ chức Hội nghị lấy ý kiến trao đổi góp ý có tính chất tổng kết công tác tổ chức thi THPTQG và tuyển sinh đại học trước khi ấn định phương án thi năm 2016. Trong đó, cần đặc biệt chú ý tới việc đổi mới đề thi cho kỳ thi tích hợp. Kỳ thi tích hợp nhiều mục đích nhưng đề vẫn ra theo cấu trúc cũ là không hợp lý, cần đề thi có độ phân hóa cao hơn nữa mới có thể phục vụ được kỳ thi sử dụng cho nhiều mục tiêu.
Hồng Hạnh
(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)