Đầu năm học 2021-2022, học sinh Hà Nội học online do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sau hơn 1 tháng triển khai, ngành giáo dục Hà Nội đã có những hướng dẫn kịp thời với việc học online cũng như hỗ trợ các thiết bị máy tính, sim data truy cập internet miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Gỡ khó khi học trực tuyến
Năm học mới, ngành giáo dục Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung đối mặt với việc học trực tuyến từ giải pháp tình thế trở thành lâu dài. Nhiều thách thức của việc học trực tuyến đặt ra như: Không hiệu quả ở lớp 1, lớp 2; sóng kém; thiếu thiết bị học trực tuyến ở nhiều nơi.
Công bố kho học liệu điện tử của ngành Giáo dục Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Trước những thách thức này, ngành giáo dục đã ban hành các văn bản, hướng dẫn để thích nghi với tình hình mới. Thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022, sau lễ khai giảng, các nhà trường đã triển khai dạy trực tuyến. Riêng cấp học mầm non, các cơ sở giáo dục không tổ chức dạy học trực tuyến mà duy trì kết nối với gia đình, trẻ em thông qua hoạt động truyền thông. Nhà trường cũng hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, tổ chức cho trẻ em vui chơi tại nhà.
Để gỡ khó cho việc học trực tuyến, giữa tháng 9/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội công bố kho học liệu điện tử nhằm hỗ trợ giáo viên, phụ huynh, học sinh tham khảo trong khi dạy học trực tuyến để phòng chống COVID-19.
Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, việc xây dựng kho học liệu điện tử đã được triển khai từ trước với các môn học. Nhưng trong bối cảnh học sinh dừng đến trường do COVID-19, chuyển sang học trực tuyến, sở đã rà soát lại, bổ sung và công bố để các nhà trường hướng dẫn giáo viên, phụ huynh, học sinh truy cập, sử dụng.
Đến nay, số học liệu điện tử trên hệ thống HanoiStudy đã có hàng ngàn bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử tương tác (e-learning), các bài trình chiếu, video clip, hình ảnh minh họa do các thầy, cô giáo tâm huyết xây dựng. Sở GD&ĐT Hà Nội đã lựa chọn, kiểm tra thẩm định chất lượng các tư liệu này căn cứ vào chương trình giáo dục để đưa vào kho học liệu.
“Sở sẽ tiếp tục cập nhật, hoàn thiện kho học liệu điện tử để mở rộng nguồn tài nguyên dùng chung cho giáo viên, phụ huynh, học sinh, xem đây là một trong những giải pháp đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục”, ông Trần Thế Cương cho biết.
Nỗ lực đảm bảo thiết bị học
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, Hà Nội có khoảng 10.000 học sinh thiếu thiết bị học tập trong bối cảnh dịch COVID-19. Nhiều em có thiết bị nhưng chất lượng kém, hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc học chưa hiệu quả.
Trao quà hỗ trợ máy tính cho các em học sinh và đại diện các Phòng Giáo dục nhận thay. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Giữa tháng 9/2021, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Chương trình "Sóng và máy tính cho em" bằng hình thức trực tuyến. Đây là đợt hỗ trợ lần 1, năm học 2021 - 2022 của Thành phố Hà Nội.
Tại chương trình, gần 3.700 bộ máy tính và 10.000 sim data truy cập internet miễn phí đã được các tổ chức trong và ngoài ngành trao tặng để gửi tới những học sinh gặp khó khăn trong học tập trực tuyến. Tập đoàn CMC ủng hộ 3.600 máy tính bảng; VNPT Hà Nội trao tặng 10.000 sim data truy cập internet miễn phí trong năm 2021; Các phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Tây Hồ, Thanh Xuân và Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa ủng hộ gần 100 bộ máy tính bàn và máy tính bảng mới.
Đầu tháng 10, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục tổ chức chương trình hỗ trợ đợt 2. Tại dây, Công đoàn cơ quan Sở GD&ĐT bước đầu đã tổ chức quyên góp được số tiền gần 53 triệu đồng ủng hộ chương trình. Ngành Giáo dục Hà Nội tiến hành trao 40 bộ máy tính cho 40 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của 11 đơn vị trường học.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, chương trình “Sóng và máy tính cho em” của ngành Giáo dục Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành. Tổng số học sinh các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố đã được nhận ủng hộ thiết bị học trực tuyến là hơn 4.600 em (các thiết bị gồm máy tính bảng, điện thoại thông minh, ipad…) với tổng số tiền khoảng 14 tỷ đồng.
Điều đáng nói, bên cạnh việc hỗ trợ cho học sinh trên địa bàn thiếu thiết bị học tập trực tuyến, nhiều quận trên địa bàn Thành phố còn tích cực hỗ trợ các huyện khó khăn như: Phòng GD&ĐT Ba Đình tặng máy tính, thiết bị, học bổng cho học sinh khó khăn huyện Phú Xuyên; các trường học quận Hoàn Kiếm hỗ trợ máy tính cho học sinh khó khăn huyện Phúc Thọ…
Ở năm học này, học trực tuyến sẽ trở thành lâu dài thì ngành giáo dục Thủ đô đã và đang nỗ lực đảm bảo các điều kiện học tập trước những hệ luỵ của dịch COVID-19. Đây cũng là chủ chương của ngành giáo dục cả nước nói chung trước những tác động khó lường của dịch bệnh.
Lê Vân/Báo Tin tức