GD&TĐ - Theo Thông tư 22, HS được đánh giá công bằng ở các lĩnh vực khác nhau, không có môn nào là chính, hay phụ. Khái niệm “HS giỏi” được nhìn nhận toàn diện, đa dạng hơn trên quan điểm giáo dục cá nhân hoá HS.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT).
Những điểm mới đáng chú ý
Chia sẻ về một số điểm mới đáng chú ý trong Thông tư 22, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết:
Thông tư 22 có nhiều nội dung tiếp tục từ Thông tư 26; trong đó có quy định về hình thức đánh giá (đánh giá bằng nhận xét, đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số); coi trọng động viên, khuyến khích học sinh và tương tác giữa thầy - trò cả trong đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, đánh giá vì sự tiến bộ của người học.
Điểm khác biệt là việc đánh giá sẽ áp dụng nhiều phương pháp, hình thức kỹ thuật, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và định kỳ để bám sát quá trình tiến bộ của học sinh, khích lệ sự cố gắng của mỗi học sinh. Mỗi học sinh sẽ có cơ hội để thể hiện giá trị, điểm mạnh của mình và có cơ hội điều chỉnh kết quả học tập, rèn luyện.
Một trong các điểm mới so với Thông tư 26 là quy định về đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh. Theo đó, đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học quy định trong Chương trình tổng thể và yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù quy định trong Chương trình môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông.
Thông tư mới không xếp loại hạnh kiểm mà đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kì và cả năm học theo 1 trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Quy định đánh giá kết quả học tập cũng là điểm mới. Theo đó, trước đây đánh giá, xếp loại kết quả học tập theo học lực (giỏi, khá, trung bình, yếu, kém). Còn Thông tư 22 thì đánh giá kết quả học tập theo 1 trong 4 mức là Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Một điểm mới nữa là quy định về khen thưởng. Theo đó, Thông tư 22 quy định khen thưởng cuối năm học với danh hiệu "học sinh xuất sắc" và “học sinh giỏi”.
Cụ thể, "học sinh xuất sắc" có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 6 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn cả năm đạt từ 9,0 điểm trở lên.
Khen thưởng danh hiệu "học sinh giỏi" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt.
Ngoài ra, còn khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.
- Thông tư 22 không còn tính điểm trung bình tất cả các môn học. Ông có thể lý giải rõ hơn về thay đổi này?
Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành: Theo quy định tại Thông tư 22, kết quả học tập của học sinh được thể hiện ở mức đánh giá đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét và điểm trung bình từng môn học đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số; không còn việc gộp thành điểm trung bình của tất cả các môn học để đánh giá như trước để “môn này, gánh cho môn kia”.
Với kết quả học tập của từng môn học riêng rẽ, học sinh, phụ huynh và thầy, cô giáo có thể nhìn nhận cụ thể mỗi học sinh có những điểm mạnh, yếu khác nhau. Khái niệm “học sinh giỏi” sẽ được nhìn nhận toàn diện và đa dạng hơn trên quan điểm giáo dục cá nhân hoá từng học sinh.
Ảnh minh họa/ITN
Xóa quan niệm môn chính, môn phụ
- Như vậy là với cách đánh giá theo Thông tư 22, ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ không còn là trọng số trong xét đạt học sinh giỏi?
Như đã nói ở trên, học sinh đạt danh hiệu "học sinh giỏi" là học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt.
Trong đó ở kết quả học tập, các môn đánh giá bằng nhận xét phải xếp ở mức Đạt, các môn có điểm số phải đạt 6,5 điểm trở lên và có ít nhất 6 môn học có điểm 8,0 trở lên.
Học sinh xuất sắc đạt điều kiện như học sinh giỏi nhưng khác hơn là phải có ít nhất 6 môn đạt 9,0 điểm trở lên.
Quy định này cũng thể hiện quan điểm coi các môn học công bằng như nhau, không có môn nào là môn chính hay môn phụ. Ngoài việc chống học lệch (coi trọng học Toán, Văn, Ngoại ngữ), học sinh được đánh giá công bằng ở các lĩnh vực khác nhau. Học sinh không phải cứ giỏi Toán, Văn mới là giỏi, mà có thể giỏi các môn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Khi học lên THPT, tính phân hoá, hướng nghiệp cao hơn, học sinh sẽ có thiên hướng học nhiều hơn, tốt hơn ở các môn phù hợp với tố chất và định hướng nghề nghiệp, phù hợp với quan điểm đánh giá này.
Đánh giá bằng nhận xét: Tránh thực hiện máy móc
- Liệu có lo lắng khi thực hiện đánh giá bằng nhận xét sẽ tăng việc, tăng áp lực với giáo viên?
Quy định tại Thông tư 22 vừa ban hành là sự kế thừa quy định tại thông tư 26 ban hành năm học trước. Những điểm kế thừa ở đây là việc giảm đầu điểm kiểm tra định kì. Mỗi môn học chỉ có 4 đầu điểm kiểm tra định kỳ, bên cạnh các điểm kiểm tra thường xuyên. Việc kiểm tra cũng đa dạng, linh hoạt và giao chủ động cho giáo viên.
Cụ thể điểm kiểm tra định kỳ có thể là bài kiểm tra trên giấy hoặc máy tính, có thể bài thực hành hoặc dự án học tập. Còn điểm kiểm tra thường xuyên sẽ đa dạng hơn: hỏi-đáp (kiểm tra kiến thức cũ, trong quá trình học bài mới), viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ giáo viên giao trước, trong và sau giờ học…
Trong quy định mới các môn Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chỉ đánh giá nhận xét (cả thường xuyên và định kỳ) còn các môn còn lại đánh giá bằng nhận xét điểm số kết hợp đánh giá bằng điểm số.
Tuy nhiên sẽ không áp dụng máy móc là giáo viên phải ghi học bạ hay ghi vào sổ theo dõi nhận xét từng học sinh vào cuối kỳ, cuối năm. Việc đánh giá bằng nhận xét cần phải thực hiện thường xuyên thông qua hình thức viết hoặc nói trong quá trình dạy học nhằm giúp học sinh tiến bộ.
Quy định cũng nêu việc giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tự đánh giá trong quá trình rèn luyện và học tập; cha mẹ học sinh, các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cũng có thể có ý kiến nhận xét, phản hồi.
Giáo viên khi đánh giá học sinh vào cuối kỳ, cuối năm có thể dựa trên các thông tin phản hồi của cha mẹ học sinh và ý kiến của các cơ quan liên quan (nếu có) cùng với việc theo dõi học sinh trong quá trình học tập.
Nếu giáo viên làm đúng hướng dẫn, việc đánh giá thường xuyên được thực hiện ngay trong quá trình dạy học ở từng bài học, không những không bị áp lực mà còn không khiến giáo viên bị dồn việc vào các thời điểm cuối kỳ, cuối năm do phải kiểm tra dồn dập, chấm bài, lên điểm…
Thông tư 22 cũng đã nêu quy định, với các hình thức đánh giá qua hoạt động học tập như bài kiểm tra đánh giá bằng nhận xét, bài thực hành, dự án học tập,… phải có mô tả cụ thể nhiệm vụ, yêu cầu cần đạt của học sinh. Việc mô tả cụ thể, giao việc rõ ràng đến từng học sinh sẽ giúp giáo viên đánh giá sát hơn khi chấm điểm dự án học tập hay sản phẩm học tập của các nhóm học sinh khác nhau.
Các nhà trường cần hướng dẫn cụ thể để các tổ chuyên môn thảo luận, cụ thể hoá quy định bằng các nội dung rõ ràng, minh bạch và dễ thực hiện. Việc đánh giá thường xuyên sẽ giao chủ động cho giáo viên môn học xử lý linh hoạt nhưng phải dựa trên quy định thống nhất được cụ thể hoá từ quy định của Bộ GD&ĐT. Trong việc này, vai trò của giáo viên là rất quan trọng. - Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành.